Chủ Nhật, tháng 11 05, 2006

6. NGUYỄN VĂN TƯỜNG (1824 - 1886) -- THƠ -- VÀI NÉT VỀ CON NGƯỜI, TÂM HỒN & TƯ TƯỞNG / tệp 6

PHẦN THỨ HAI:

CÁC SÁNG TÁC NGOÀI THI TẬP
& phụ lục:
vài bài thơ của những người cùng thời viết về phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường.




TỰ TRÀO



1

TỰ TRÀO

Dĩ thần, bất tài, giảng thuyết chiến hòa tam quốc sự
Duy quân, sở mạng, khi khu sơn hải thất niên gian!


TỰ CƯỜI CHÍNH MÌNH (1)

Bởi bề tôi, [do] không được tài năng, [nên mới] giảng nói
việc chiến [hay] hòa [của] ba nước (2)
Chỉ nhà vua, [với] mệnh lệnh vốn có, [đành chịu] dằn xóc
chốn núi [rồi] biển [suốt] bảy năm (3)!

TỰ CƯỜI GIỄU CHÍNH MÌNH

Vì thần tử tài cạn,
nên phải giảng bàn về việc chiến hòa ba nước
Chỉ hoàng thượng lệnh truyền,
cam đành dằn xóc với miền non biển bảy năm!


Bởi bầy tôi, tài thiếu,
giảng bàn việc chiến hòa ba nước
Duy nhà vua, lệnh sẵn,
dằn xóc miền non biển bảy năm!


Dụng thần bất tài,
luận chiến giải hoà ba đất nước
Hay vua sẵn lệnh,
trèo non bơi biển bảy năm trời!
(4)

TRẦN XUÂN AN
chuyển theo thể loại

(1) Câu đối treo trong nhà của nhà thơ Nguyễn Văn Tường, tại làng An Cư, xã Triệu Phước, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Chúng tôi chép lại từ tư liệu của nhà thơ Lương An. Đầu đề chúng tôi mạo muội đặt, căn cứ vào nội dung, thay vì đặt số thứ tự.

(2) Việt Nam, Pháp (+ Tây Ban Nha) và Trung Hoa, đúng như đầu đề cuốn sách của sử gia Nhật Y. Tsuboi (NĐNĐDVP. & TH., sđd.)!

(3) Từ cuối năm 1867, đầu năm 1868 đến 1875. Xem chú thích (3), bản dịch nghĩa bài 50; Y. Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 270: trích dẫn tư liệu lưu trữ của Pháp (thư báo cáo của Rheinart, 30. 11. 1881, AOM. Aix, Amiraux 12940 và theo Taboulet): “Khi trở thành đứng đầu phe cứng rắn, chính Tường đã xúi Tự Đức xem thường hiệp ước 1874...”. Xem thêm chú thích (4) bản dịch nghĩa bài 47; và chủ điểm 3 của bài “Nguyễn Văn Tường với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05. 7. 1885” (TXA.).

Nguyễn Văn Tường không chấp nhận bất kì một hàng ước, nhượng ước (được gọi là “hòa” ước) nào (1862, 1874, 1883, 1884), kể cả phụ ước 1885.

(4) Chữ “dĩ” kết từ (liên từ) trên còn có thể là một động từ, với nghĩa là dùng, lấy. Chữ “duy” cũng tương tự như vậy về từ loại; nếu là động từ thì có nghĩa là tưởng nhớ, suy nghĩ. Ở bản dịch thứ ba của cặp câu đối này, về số lượng chữ và về thanh (trắc / bằng) của mỗi chữ, người biên soạn (TXA.) cố gắng tái hiện y như nguyên bản chữ Hán.




ĐIẾU BÙI VIỆN


2

ĐIẾU BÙI VIỆN (1)

Hiệp sơn siêu hải tri thuỳ kiện
Ái quốc tư gia chỉ tự bi
(2)

Cắp non vượt biển ai là mạnh
Yêu nước thương nhà nghĩ tự đau


PHAN TRẦN CHÚC
dịch theo thể

THƯƠNG VIẾNG BÙI VIỆN (1878)

Cắp núi vượt biển (3), biết ai [:nước nào] mạnh (4);
Yêu nước, suy nghĩ về gia đình (nhớ nhà), ngoảnh về (5)
[Tổ quốc], tự đau xót (khóc thầm).

THƯƠNG VIẾNG BÙI VIỆN (1878)

Cắp non vượt biển, hay ai mạnh
Yêu nước thương nhà, nghĩ tự đau
(6).

(bản biên soạn)

(1) Bùi Viện (ĐNTL.CB., tập 34, Nxb. KHXH., 1976, tr. 65 và tr. 187 - 188). Xin xem thêm chú thích (7).

(2) Trong cuốn “Bùi Viện với cuộc duy tân của triều Tự Đức” của Phan Trần Chúc (Nxb. Đại La, Hà Nội, cuối 1945; Nxb. Kiến Thiết, đầu năm 1946), Nxb. Văn hoá Thông tin, tái bản năm 2000, tr. 105 - 106, có ghi lại hai câu đối trên của Nguyễn Văn Tường, phúng điếu Bùi Viện, chánh quản đốc Nha Tuần tải vốn trực thuộc Bộ Hộ của ông, vào năm Tự Đức thứ ba mươi mốt (1878). Đầu đề người biên soạn mạn phép đặt.

(3) Hiệp sơn siêu hải: “cắp [:kẹp] núi vượt biển”, là một thành ngữ diễn tả sự khó khăn, cam go đến mức tưởng chừng không thể vượt qua được.

(4) Nước mạnh ở đây chính là Mỹ (Mỹ Lợi Kiên [US. America], Hoa Kỳ). Bùi Viện trong thời gian ở Hồng Kông (Hương Cảng) có tìm cách làm quen với một sứ thần Mỹ. Nhờ vậy, ông quyết sẽ sang Mỹ cầu viện. Đến nước Mỹ, mặc dù được tổng thống Ulysses S. Grant (chứ không phải Abraham Lincoln) tiếp chuyện, với lời hứa hẹn là sẽ giúp nước ta. Nhưng bởi không có quốc thư, nên việc vẫn chưa đi đến đâu. Lần sau, khi Bùi Viện mang quốc thư sang Mỹ, lại biết Grant đã chết. Kế hoạch cầu viện Mỹ vì thế hoàn toàn thất bại. Về nước, không bao lâu, Bùi Viện cũng qua đời (1878). Theo Phan Trần Chúc, thực chất lời hứa giúp của tổng thống Mỹ là nhằm hất cẳng Pháp và để cạnh tranh với các nước thực dân châu Âu khác! (Xem Phan Trần Chúc, sđd., tr. 29 - 35, tr. 38 - 49).

(5) Chỉ: Với mặt chữ có bộ thủ, “chỉ” có nghĩa là xoay về hoặc ý hướng; với mặt chữ không có bộ thủ, “chỉ” là ý tứ, ý hướng (nếu cùng nghĩa ý hướng, hai chữ thủ này khác chữ nhưng cùng nghĩa). Động từ “chỉ” (xoay về) này tiểu đối với động từ “tri” ở câu trên. Dịch sát nghĩa như trên.

(6) Do chữ “kiện” (mạnh mẽ, hùng mạnh) là một tính từ, nên từ “bi” (thương đau) cũng phải là một tính từ. Ở trường hợp khác, “bi” (thương đau, thương xót) là động từ. Xin xem chú thích (2) bài “Vô đề” của Nguyễn Thượng Hiền (mục số 5 thuộc “Phần sáng tác ngoài Thi tập và phụ lục…” này):

Không quá Tây môn, bi thái phó
Thùy tòng Bắc hải, vấn trung lang.


Trong trường hợp này, “bi” dứt khoát phải là động từ, vì chữ “vấn” không thể thuộc từ loại nào khác. Về từ loại, “vấn” luôn luôn là động từ. Về kết cấu ngữ pháp, “vấn” cũng phải là động từ làm vị ngữ của một chủ ngữ hiểu ngầm:

Không quá Tây môn, [ngã] bi thái phó
Thùy tòng Bắc hải, [quân] vấn trung lang.


(7) Sau khi Bùi Viện đã chết (1878), vào năm Tự Đức thứ ba mươi bốn (1881), vua Tự Đức còn nhắc đến ông, khi trách phạt đến bảy vị quan, gồm sáu đại thần, đường quan ở Viện Cơ mật và ở Sở Thương bạc (Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường, Nguyễn Chính, Phạm Thận Duật, Bùi Văn Dị [:Bùi Ân Niên], Trần Thúc Nhẫn), và cả viên Tham biện Nội các Đào Đăng Tiến [:Đào Tấn (nhà soạn tuồng)], khi họ muốn mở rộng quan hệ ngoại giao nhằm tìm lực lượng đối trọng với Pháp. Pháp lúc này đang chuẩn bị âm mưu để gây hấn và tấn công, chiếm đóng Bắc Kì lần thứ hai. Đó cũng là lúc Phạm Phú Thứ bị triệu về kinh để chịu trách phạt. Bấy giờ, vua Tự Đức không muốn các đại thần, đường quan giao du với cả Phạm Phú Thứ (đang bị giam lỏng để điều tra); nhà vua vẫn không muốn tin việc thực dân Pháp âm mưu xâm chiếm Bắc Kì lần thứ hai là có thật, lại cho là “hoang báo”, “nói hão tin càn”! Bài dụ trách phạt, vua Tự Đức viết: “… Vả người bầy tôi ắt phải có đạo [lí], dù muốn giao du rộng rãi, cũng phải chọn người mà chơi, muốn hiến kế sách tất phải cho có sự thực, chứ có thể nào nói nhiều nghe bậy, không có một mảy may nào là thực tế? Nay tự hỏi lòng mình, liệu như thế có an tâm không? Ngay đến như việc viên Bùi Viện, nếu không có người dẫn tiến, thì trẫm làm sao biết được? Vậy đã lầm lỡ một lần rồi, há lại nên để cho xảy ra lần nữa hay sao?…” (Thơ văn Tự Đức [3 tập], tập 2, Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1996, tr. 167). Thời điểm Tự Đức viết bản dụ quở trách trên là ngày 24 tháng 02 năm Tự Đức thứ ba mươi bốn (1881).

Chúng ta đã biết rằng, Bùi Viện không những kiếm tìm sự ủng hộ, viện trợ ở Mỹ (Hoa Kỳ, thời tổng thống Grant) mà còn thu phục các lực lượng hải tặc nước Thanh (Trung Hoa) vào đội quân vận tải do ông chỉ huy. Cuối cùng, Bùi Viện đã thất bại ở cả hai hướng. Khi Bùi Viện mất, còn để lại sự thâm thủng ngân quỹ của Nha Tuần tải đến vài ba chục vạn quan! (Xem: Phan Trần Chúc, sđd.).

Tất nhiên, đối với các đại thần Viện – Bạc như trên đã nêu tên, sự mở hướng ngoại giao nhằm tìm lực lượng đối trọng với Pháp lúc này (1881), không thể là bọn hải tặc, mà chỉ có thể là Chiêu thương cục do Đường Đình Canh đại diện trong việc giao thiệp với nước ta…

Dẫu sao, Bùi Viện vẫn là một hình ảnh của nỗ lực tìm kiếm lực lượng đối trọng với Pháp và tìm kiếm hướng canh tân Đất nước thuộc nửa sau thế kỉ muời chín (XIX) ở nước ta, trong bối cảnh bế tắc chung của nhiều châu lục…



GIẢI TRIỀU



3

GIẢI TRIỀU...

Tam thập niên lai phí kỉ kinh (1)
Vô đoan dạ bán bách sầu sinh
Kì khai tam sắc, vân (2) lôi biến
Già thính song xuy, kê khuyển kinh
Sơn kính (3) vạn trùng thương (4) thúy liễn
Thần tâm nhất dạng (5) luyến đan đình
Thị phi nhiên phó (6) thiên thu hậu
Xã tắc quân vương thục trọng khinh?
(7)

(1) Các dị bản: minh / kinh (kỉ minh? kỉ kinh?).

(2) Các dị bản: vân / phong (vân lôi? phong lôi?).

(3) Các dị bản: kính / sắc?

(4) Các dị bản: thương / minh?

(5) Các dị bản: nhất dạng / bất nhị?

(6) Các dị bản: nhiên phó / phó dữ?

(7) Bài thơ này đã được truyền tụng từ sau ngày Kinh Đô Quật Khởi (23. 5 Ất dậu, 1885), như một mật lệnh phối hợp giữa phong trào Cần vương vũ trang và những người ở lại; sau đó, bài thơ chỉ được ghi lại bốn câu cuối với bản dịch không rõ ý, bị xuyên tạc (xem Phan Trần Chúc, “Vua Hàm Nghi”, Nxb. Chính Ký, Hà Nội, 1951; Nxb. Thuận Hoá tái bản, 1995, tr. 83 - 84). Do bài thơ được truyền khẩu, nên có một vài chữ bị dị biệt ở các dị bản, nhưng ý nghĩa vẫn không thay đổi như ở (1), (2), (3)... Ngoài ra, còn một số bản khác, in, xuất bản ở nhiều sách báo, thường chỉ trích dịch bốn câu cuối (xem: Nguyễn [Tôn Thất] Mạnh Hào, Kỉ yếu Hội nghị khoa học về “Nhóm chủ chiến trong Triều đình Huế và Nguyễn Văn Tường”, ĐHSP. TP. HCM., 1996, tr. 90; Hải Âu, “Vua Hàm Nghi”, Nxb. Văn Nghệ TP. HCM., 2000, tr.124 - 127; Hồ Sĩ Vọng, phiên âm, dịch thơ, Lê Quang Thái dẫn trọn bài bát cú, tạp chí Cửa Việt, số 13, 1992, tr. 82; Lương An, bản lưu trữ gồm cả tám câu...).

Trích từ cuốn “Vua Hàm Nghi” của Phan Trần Chúc (sách đã dẫn):
“Muốn phô tả tâm sự mình trong lúc khó khăn này, [Nguyễn Văn – nbs. chua thêm] Tường có làm một thiên Đường luật nay vẫn còn bốn câu truyền tụng [– nbs. in đậm]:
Sơn tắc (*a) thiên trùng thương (*a) thúy liễn
Thần tâm nhất dạng luyến đan đình
Thị phi nhiên phó thiên thu hậu
Xã tắc, quân vương thục trọng khinh?

(Xe giá ngàn trùng lẫn dặm xanh
Lòng tôi riêng luyến chốn đan đình
Phải, chăng, phó mặc ngàn sau luận
Vua, nước, đôi đường, hỏi trọng khinh?).


Trong mấy câu thơ này, [Nguyễn Văn] Tường có ý nói rằng mình sở dĩ không đi theo xa giá là vì còn muốn ở lại để duy trì xã tắc. Đi với ở, đằng nào phải, là tùy theo sự phán đoán đời sau. Vì, vua với nước, chưa hẳn đã đằng nào đáng khinh, đáng trọng”.

(Phan Trần Chúc, “Vua Hàm Nghi”, Nxb. Chính Ký, Hà Nội – 1951. Trích theo sách tái bản của Nxb. Thuận Hóa, 1995, tr. 83 - 84).


CHIA TÁCH TRIỀU CHÍNH...

Ba mươi năm qua, [quả là] phí phạm bao nhiêu tâm trí
[đối phó với thực dân]! (*b)
[Vào lúc] nửa [đêm, cái] đêm không ngay thật [ấy, bọn giặc
và tả đạo] ép bức [khiến] nỗi buồn [uất] dậy lên
Cờ [Pháp] mở ra [:chặt ra, chẻ ra] ba màu, mây [và] sấm
[quyền] biến
[Cái] kẹp tay để tra tấn nghe theo [cái] roi cặp,
gà [và] chó kinh hãi
Đường mòn [trên rừng] núi [dài và xanh ngắt] vạn trùng,
lo lắng [cho] kiệu (xe vua) [vốn dĩ luôn] kín đáo
Lòng [của] kẻ bề tôi [cũng] một dạng thể [như thế], thương mến nên không nỡ rời bỏ sân son
Đúng, sai, [lẽ] ấy [xin] gửi [cho] cái mai sau [có tính] nghìn thu (muôn đời) [nhận định, đánh giá]
Đất nước, nhà vua, điều gì [đáng xem] trọng,
[xem] nhẹ [đây]?

TAN TÁC TRIỀU ĐÌNH...

Ba chục năm qua phí trí mình (a)
Nửa-đêm-gian-tả (b) ép (b) buồn sinh
Cờ chia ra khoảnh (c); mây giông nổ (d)
Kẹp xiết theo roi; gà chó kinh (đ)
Núi biếc (e) vạn trùng thương kiệu Ngự (g)
Lòng son (h) một thể luyến sân Đình (i)
Phải, chăng, xin gửi nghìn thu luận (k)
Theo nước – phò vua, đâu trọng, khinh (l)?


CHIA TÁCH TRIỀU CHÍNH...

Gươm phí bao năm, mấy bút mòn (1)
Nửa khuya (2) vô cớ ép bùng hờn (3)
“Tam tài”, cờ xổ (4); giông quyền sấm (5)
Roi cặp, kẹp tra; chó rủn hồn (6)
Đường núi (7) vạn trùng lo kiệu biếc (8)
Lòng tôi một dạng giữ (9) sân son (10)
Đúng, sai, ấy gửi nghìn sau luận (11)
Nhẹ? Nặng? Phò vua? Luyến nước non (12)?


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

CHÚ THÍCH VÀ TRÌNH BÀY CÁCH DỊCH THƠ:

(a) Phí trí mình (dịch thoát lấy vần). Nguyên nghĩa: phí phạm, hao phí bao nhiêu là kinh lịch, tâm trí. Trong bài thơ số 44, có câu: “Kỉ kinh sương tuyết phí mang bôn”.

(b) Nửa đêm-gian-tả: Vô-đoan-dạ bán. Đối chiếu với bối cảnh lịch sử và xét văn cảnh toàn bài, không thể dịch “vô đoan” là “vô cớ” được. Vả lại, ý vô cớ ấy đã hàm ẩn, bởi hầu hết các nguồn tư liệu đã xác định chính thực dân Pháp, cụ thể là De Courcy, đã cố tình bức bách triều đình Huế, mặc dù triều đình vừa lo phòng thủ (*c), vừa cố hết sức hoà hoãn, không tạo cớ cho Pháp tấn công kinh thành. Xem (k). Xin lưu ý: Ở bài thơ số 22 (Cửu nguyệt ngộ húy cảm tác), Nguyễn Văn Tường đã sử dụng chữ “bách” [bức bách] như trong câu trên (Đãi đán thư hoài bách trụy sương). Xem (3), bài này.

(c) Ba màu: tam sắc. Ở đây, chỉ cờ nước Pháp treo trên kì đài kinh thành Huế sau đêm Kinh Đô Quật Khởi, 22-23.5 Ất dậu (1885), với cách đặc tả trong điều kiện thế kỉ XIX.

(d) Bản dịch này vẫn thể hiện sự cảm nhận hai chữ “phong lôi” theo nghĩa của văn cảnh toàn bài và căn cứ vào kế hoạch kháng chiến (từ 1864) của Nguyễn Văn Tường, không theo nghĩa sử dụng thiếu chính xác (“phong lôi” khác với “vân lôi thời tiết”: thời vận anh hùng ra tay – xem Đào Duy Anh, Từ điển Hán – Việt, Nxb. Trường Thi, 1957, quyển hạ, tr. 123, 540). “Phong lôi” hay “vân lôi” cũng vẫn là hình ảnh chỉ lực lượng kháng chiến vũ trang do Tôn Thất Thuyết lãnh đạo. Trong một bài thơ của vua Tự Đức viết cho con trai Nguyễn Tư Giản, có câu: “Vân lôi chí cấp, giang hồ hoãn” (Mây sấm chí vội, sông hồ hoãn) [Xem: ĐNLT., tập 4, sđd., tr. 253].
(đ) Kẹp (già), roi cặp (song xuy) là dụng cụ tra tấn của Pháp. Kẻ tra tấn bằng kẹp dựa theo lời ghi cung của kẻ tra tấn bằng roi cặp để khai thác tù binh, tù chính trị. Gà, chó: chỉ lũ không xứng làm người trước sự tra tấn của giặc. Câu này bị xuyên tạc chữ “già” (:kèn lá [của trẻ con]), nhằm bôi nhọ Tôn Thất Thuyết, cho rằng trong thực tế, Tôn Thất Thuyết ghét tiếng gà, tiếng chó thật, chứ không phải là ghét bọn người hèn nhát vốn bị nguyền rủa như gà chó như trên đã phân tích.

(e) Núi biếc; dịch chính xác là “đường núi” (sơn kính) hoặc “sắc núi”, “màu núi” (sơn sắc). Xem (g).

(g) Kiệu Ngự; “thúy liễn” ở nguyên bản: xe, kiệu kín đáo, còn gọi là xe loan (xe có chim loan làm biểu trưng hoặc có tiếng lục lạc tượng trưng cho tiếng chim loan, hoặc chỉ là cách gọi dựa theo điển tích cổ). Dịch thay chữ là “kiệu Ngự”, chuyển ý cho “sơn sắc”, “sơn kính”. Xem (e).

(h) Lòng son; dịch thay chữ, lẽ ra “thần tâm” phải dịch sát nghĩa là “lòng bề tôi”, “lòng tôi”. Xem (i).

(i) Sân Đình; lẽ ra phải dịch “đan đình” là “sân son” (sân chầu vua, thời xa xưa được lát gạch đỏ). “Thần tâm” và “đan đình” được dịch thay chữ, ghép ý như (e) với (g).

(k) Nguyên văn: thiên thu hậu (nghìn thu sau; cái mai sau có tính muôn đời mà sách sử và công luận không quên được). Bản dịch tiếng Việt này chỉ dịch thoát, sót ý và thêm chữ “luận” (bàn xét, bình phẩm), theo ẩn ý. Về cấu tạo ngữ, xem (b).



(l) Theo ẩn ý, có thêm hai chữ “theo” và “phò”. “Theo nước” là theo vận nước, tình hình giữa ta và giặc Pháp, sức mạnh quật khởi của phong trào đấu tranh vũ trang Cần vương (đánh) mà thương thuyết, đấu tranh chính trị (đàm).

(1), (2) Xem chú thích bên trên: (a), (b),

(3) Ép dậy nỗi hờn (bách sầu sinh). Xem lại (b). “Sầu” là buồn rầu, buồn bã, buồn uất, buồn nghẹn... “Sầu hải” người ta vẫn dịch là mối giận [dữ] như biển (mối sầu uất dậy sóng khôn nguôi), [TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 190]. Ở đây dịch là “nỗi hờn” (“nỗi ngậm hờn”), theo ngữ cảnh, theo ẩn ý.

(4) Xem chú thích bản dịch trên: (c).

(5) Biến; dịch cả ẩn ý, thành “quyền biến”.

(6) Xem chú thích bản dịch trên: (đ).

(7) Đường núi: “sơn kính”, đường mòn trên núi rừng. Ý toàn câu: cả núi rừng bạt ngàn đều lo lắng, chăm lo, lo nghĩ về Hàm Nghi.

(8), (10) Xem chú thích bản dịch trên: (g), (i).

(9) Luyến: thương mến nên không nỡ rời bỏ (TĐHV., sđd., tập thượng, tr. 526). Dịch là “giữ” bởi muốn dịch cả ẩn ý của “nhất dạng” (cùng một dạng thể, một thể thức).

(11), (12) Xem các chú thích bản dịch trên: (k), (l).

Bị chú: Ngoài ra, chúng tôi còn thấy có bản dịch của Lương An với hai câu thực và hai câu luận như sau:

Kèn hai tiếng thổi kinh gà chó
Ba sắc cờ bay ám đất trời
Đường núi nghìn trùng băng giá ngự
Thềm son một quyết hướng lòng tôi


từ bản phiên âm giống hệt như trên, chỉ khác hai chữ: “xuyên” (xuyên qua, băng băng chạy nhanh, rẽ ra, mở lối trống lộng); “thiên” (nghìn):

Sơn kính thiên trùng xuyên thúy liễn

Chữ “già” có nghĩa là “kèn lá”. “Xuy” là “thổi”. Chữ “biến” có nghĩa là “đều khắp”, “khắp cả, nơi nào cũng có”.

Tất nhiên, chỉ là cùng âm đọc nhưng khác mặt chữ với “già” là cái kẹp tay để tra tấn, “xuy” là cái roi, “biến” là dùng mưu chước lạ để ứng phó với tình huống (quyền biến, chữ “quyền” trong Dụ Cần vương).

Và chẳng hiểu vì sao “kèn nghe hai tiếng thổi”, nếu dịch sát nghĩa “già thính song xuy”? Xuy: que, lẻ (roi) đánh nhịp? Theo phép làm thơ có tiểu đối, cờ “tam tài” Pháp đối với dụng cụ tra tấn khi chúng đi cướp nước mới thật sâu sắc, và dung lượng phản ánh hàm súc, đúng với hiện thực hơn. Dùng trọn hai vế đầu của hai câu thực để tả buổi chào cờ có kèn thổi của Pháp, thì chưa thật hàm súc.

Chúng tôi còn hiểu, theo văn lí, nếu dùng chữ “xuyên” thì chữ “kính” phải là “gương” (tấm kính), chỉ mặt trời, mặt trăng:

Gương núi vạn trùng soi kiệu ngự
(Gương núi vạn trùng xuyên kiệu ngự)


Có thể chăng, chỉnh lí lại bản dịch Lương An:

Ba chục năm qua phí trải đời
Bỗng dưng, khuya ép nỗi sầu khơi
Cờ phành ba sắc; giông rền nổ
Kẹp theo roi cặp; chó rụng rời
Đường núi vạn trùng băng kiệu Ngự
Lòng tôi một quyết hướng sân Người
Đúng sai xin gửi ngàn thu xét
Bên nước bên vua, đâu nặng vơi?


LƯƠNG AN
dịch thơ
(bản biên soạn)

Chính hai chữ “nhất dạng” (hoặc “bất nhị”) đã quyết định các chữ sai biệt ở các dị bản (do truyền khẩu). “Nhất dạng” hoặc “bất nhị”, không có dị bản nào có hai chữ nào khác. Vả lại, xét về từ loại, ngữ nghĩa, “nhất dạng” đối rất chỉnh với “vạn trùng”, và “bất nhị” vẫn đối lệch với “kỉ trùng”. Hơn nữa, cũng không nên lặp lại chữ “kỉ” vì đã có “kỉ kinh”.

Bối cảnh lịch sử cũng là cơ sở cho việc mạo muội hiệu đính, khảo dị, nhằm xác định đúng bản gốc, nguyên tác của ông (xin xem bài viết “Nguyễn Văn Tường (1824-1886) với nhiệm vụ lịch sử sau cuộc kinh đô quật khởi, 05 tháng 7.1885” [“Vài chủ điểm sử học sơ lược cần thiết khi cảm nhận bài “Giải Triều …””]).
Sau khi cân nhắc, thấy bản chính thức, theo chỗ chúng tôi biết, là hợp lí và phổ biến hơn cả.

Hai câu bổ sung:
CHIA TÁCH TRIỀU CHÍNH...

U trung thùy bạch thiên thu hậu? (*d)
Xã tắc quân dân thục trọng khinh?


Lòng trung sâu kín, tĩnh lặng, ai tỏ rõ [cho] cái mai
sau [có tính] nghìn thu?
Tổ Quốc, đức vua, nhân dân, đâu [là lẽ] nặng,
đâu [là lẽ] nhẹ?

Hai câu bổ sung của bài
“ TAN TÁC TRIỀU ĐÌNH...”

Lòng trung sâu kín, sau ai tỏ?
Tổ Quốc, dân, vua, đâu trọng, khinh?


(bản biên soạn)

Đó là hai câu sửa chữa? Hoặc là hai câu thuộc bài khác? Theo ông Nguyễn Xuân Quế (hậu duệ Nguyễn Văn Tường), cuối bài “Giải triều...”, có một câu chú thích thêm với nội dung như trên cùng với hai chữ “Mạnh Tử”, ý muốn nhắc đến câu kinh điển của Nho giáo: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” (dân là quý, đất nước là thứ nhì, nhà vua chỉ đáng xem nhẹ). Có lẽ chính là hai dòng thơ này.


Cước chú của bài thơ số 3 (Giải triều…), thuộc Phần thứ II (các sáng tác ngoài thi tập):

(*a) Tắc (?) [còn đọc là "tái"]: đất biên ải (TĐHV., sđd., tập hạ, tr. 223 và 239; viết giống nhau nhưng tùy theo cách đọc mà có nghĩa khác nhau). Đúng ra, theo Phan Trần Chúc, là "sắc", nhưng bị sai lỗi in ấn. Còn chữ "thương" (lo nghĩ) phải đối với chữ "luyến" (thương mến không nỡ rời bỏ) mới thật chỉnh – tương ứng, bổ sung ý nghĩa cho nhau.

Về chữ "thương", xin xem ở hai bài thơ, số 45 và 47 (“Ưng thương tích biệt li”; và “Chi thương vãng sự hải tang di”).

(*b) Xin xem phần chú thích ở bản dịch dưới dạng thơ.

Sau bài này, chúng tôi chủ yếu đặt các chú thích dưới bản dịch nghĩa. Tuy vậy, hầu hết bản biên soạn dịch thơ (khoảng 45 bài đầu) và bản dịch thơ (khoảng 21 bài sau) đều có thêm tiểu mục CHÚ THÍCH DỊCH THƠ, bởi chúng tôi vẫn xem bản dịch thơ phải đi đôi với bản dịch nghĩa. Vả lại, mặc dù chú thích ở bản dịch thơ (hay “bản biên soạn” dịch thơ) chỉ dành cho việc chuyển lại ngôn ngữ thơ, nhưng trong quá trình thực hiện khâu cuối, lại nảy sinh yêu cầu chú thích thêm cho bản dịch nghĩa. Tất nhiên chúng tôi hết sức cố gắng để mỗi tiểu mục đảm nhiệm đúng chức năng của nó (tiểu mục nào ra tiểu mục ấy). Xin vui lòng xem chú thích ở cả hai.

(*c) ĐNTL.CB., tập 36, sđd., tr. 244: “ … thù ghét [giặc Pháp – nbs. chua thêm (:ct.)], ai bảo là không nên. Không gì bằng cuộc nghĩa cử đêm 22 tháng 5 năm nay [04 – 05. 7. 1885 – nbs. ct.]…”.

(*d) U: vắng vẻ, yên lặng; sâu kín. Trung: hết lòng với người; hết lòng với nước. (Xem Đào Duy Anh, Từ điển Hán - Việt, sđd., tập hạ, tr. 506, 520).






THƯỢNG ĐỒ TRÌNH, CẢM TÁC ĐỐI LIÊN



4

THƯỢNG ĐỒ TRÌNH, CẢM TÁC ĐỐI LIÊN (1)

Tây trư tựu trở bì do xích
Nam giáng li chi quả vị hàm!


TRÊN ĐƯỜNG LƯU ĐÀY, CẢM TÁC CÂU ĐỐI (1)

Con lợn (2) [nước] Pháp lao [đầu] vào thớt,
da do đó [bị cạo] trụi
Sắc đỏ (3) [cõi] Nam rời [cuống] khỏi cành,
quả [: kết quả] vẫn chưa [được chín
/ khởi nghĩa] đều [đều khắp]! (4)

TRÊN ĐƯỜNG LƯU ĐÀY, CẢM TÁC CÂU ĐỐI

Tây heo lao thớt, da nên trụi
Nam đỏ lìa cành, quả chửa đều!

Lao thớt, lợn Tây da phải trụi
Rời cành, măng Việt trái còn hườm!


TRẦN XUÂN AN
chuyển lại thơ

(1) Đầu đề chúng tôi mạo muội đặt. Tư liệu chép từ “Lô Giang tiểu sử” của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại (1858 - 1945), một vị quan triều Nguyễn (bản quốc ngữ chép tay)...

(2), (3) Để đối với chữ “giáng”, quen nói tắt từ hai chữ “giáng châu”, là chữ “trư”, nói tắt từ hai chữ “trư tử” (xin xem TĐHV., sđd., tr. 511). Như thế câu đối mới thật chỉnh. Ở bản dịch nghĩa, lẽ ra phải dịch “giáng châu” theo nghĩa: viên ngọc đỏ (nghĩa đen), quả tim đỏ (nghĩa bóng), bởi “măng cụt” chỉ là ẩn dụ cụ thể hóa, cái gợi liên tưởng trực tiếp, nếu “giáng” là “giáng châu”. Còn “trư tử”, nguyên nghĩa là “con người có tính lợn (heo)”, bởi chữ “tử” được dùng để chỉ người, không phải để chỉ vật. Ngoài từ “trư tử”, còn có một vài từ tương tự, như “trư cẩu đẳng”, “trư trạng nguyên”. TĐHV., sđd., còn liệt kê thêm ở mục từ “trư” này: “trư linh” (nấm lợn), “trư bà long” (rùa lớn có dáng hoặc đặc điểm nào đó như loài heo)... Tuy nhiên, chúng tôi vẫn dịch như nguyên văn, không phỏng đoán gì thêm. Tự thân danh từ “giáng” (sắc đỏ) đã đối khá chỉnh với danh từ “trư” (con lợn, con heo) và cả hai đều được khu biệt ngữ nghĩa bởi chữ “bì” (da), chữ “quả” (trái cây), bởi tứ của chỉnh thể câu đối gồm hai vế đối. Nói rõ hơn, nếu xem câu đối ấy là khá chỉnh, chỉ bởi hai chữ “trư”, “giáng”, thì phải chăng, tác giả cố tình tạo ra một độ chênh cho phép, nhằm gợi suy nghĩ (“trư” là tiếng chỉ loài giống; “giáng” là tiếng chỉ phẩm chất, thuộc tính; đều thuộc từ loại danh từ, trong cách sử dụng, ở vị trí ngữ pháp của mỗi vế đối). Như thế, cả hai đều trở thành nhãn tự, thu hút sự chú mục của người đọc, đồng thời gợi nên cái gườm mắt đầy bi phẫn, bộc lộ thần thái bên trong, sâu kín và rất bản chất, của chỉnh thể nghệ thuật câu đối, chứa đựng trọn vẹn một tứ thơ của tác giả. Và cũng bởi thế, câu đối (dạng hai câu song thất) trên, hoặc là khá chỉnh, hoặc là quá chỉnh, chứ không thể chỉnh một cách bình thường.

Rõ ràng chữ “trư”, nhà thơ, nhà chính trị Nguyễn Văn Tường sử dụng nhằm chỉ đích danh bọn Tây thực dân hoặc bọn mã tà, ma ní, nói chung là kẻ thù trực tiếp: bọn Tây dương (Pháp, Tây Ban Nha...), chủ yếu là Pháp.

(4) Về mặt nội dung của cặp câu đối song thất, chúng tôi cho rằng, lúc ghé Gia Định, trước khi bị tiếp tục cuộc lưu đày ra Côn Đảo, sang Tahiti, nhà thơ, nhà chính trị Nguyễn Văn Tường vẫn không nguôi tâm trạng nhớ về cuộc Kinh đô Quật khởi (05.7. 1885, 23.5. Ất dậu). “Trư” và “giáng” ở Gia Định đã gợi cho ông liên tưởng về sự kiện lịch sử ấy. Đôi câu đối còn phản ánh niềm tin vào sự chiến thắng tất yếu của dân tộc ta, của các dân tộc Á – Phi – Mỹ la tinh trước sự xâm lược cuồng bạo của thực dân Âu – Bắc Mỹ thời giẫy chết của chủ nghĩa tư bản cướp bóc. Với ông, ông tin vào sự chiến thắng tất yếu của Việt Nam, như dân tộc ta đã từng chiến thắng quân xâm lược Nguyên – Mông, đế quốc vô địch thế giới thế kỉ XIII, như đã bao lần chiến thắng quân Nam Hán, Tống, Minh, Thanh... (Trung Hoa). Sự thắng lợi, dưới tài lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, Bác Hồ, Lê Duẩn (*) và với tài quân sự của Võ Nguyên Giáp, đã chứng tỏ niềm tin ấy của Nguyễn Văn Tường: Đúng là Pháp, Mỹ, kể cả Nhật Bản (châu Á), đã bị Cách mạng Tháng tám 1945, Điện Biên Phủ 1954, Mậu thân 1968, Ất mão 1975 “cạo trụi”, không còn manh giáp.

Về mặt hình thức thể loại, theo lời nhà thơ Lương An, đó là cặp câu đối. Câu đối tất nhiên không có đầu đề và dùng để treo trong nhà, đình, chùa, công đường. Tuy nhiên, thường thường các cảm xúc, suy tưởng, nhất là trên đường đi, các nhà thơ vẫn quen thể hiện bằng những thể thơ, thể văn khác, nếu không muốn treo ở nhà như cách treo hai vế câu đối thường thấy. Vả lại, dạng câu đối song thất, về mặt hình thức, chỉ là hai câu thực hoặc luận của thể thất ngôn bát cú Đường luật, tuy có điều, câu đối song thất phải chuyên chở một tứ thơ (văn) trọn vẹn để trở thành một chỉnh thể tác phẩm. Đó là dạng haiku có đối. Hẳn Nguyễn Văn Tường muốn bày tỏ công khai, bằng cách gửi về treo ở nhà, nên đã sử dụng thể câu đối như vậy. (Về thể câu đối, xin xem Từ điển văn học, tập 1, Nxb. KHXH., 1985, tr. 111).

Bị chú: Nhà thơ Lương An cho chúng tôi biết, có một bản như sau:

Tây trư tựu trở bì do xích
Nam giáng li chi quả vị hoàng


Và ông đã tạm dịch:

Heo Tây lên thớt da còn đỏ
Măng cụt rời cây trái chửa và
ng

Trong thực tế, trái măng cụt còn gọi là giáng châu, hoặc hai chữ “măng cụt” được gọi tắt là “măng”, trái măng. Trái măng lúc còn non (mới kết trái), có màu vàng nhạt. Lúc đã lớn, chín, trái măng lại có màu nâu sẫm hơi ửng đỏ (màu đỏ tía, nâu tía). “Nam giáng li chi quả vị hoàng”: quả măng cụt phương Nam [nước Nam] rời cành vẫn chưa vàng, tức là còn rất non, chỉ mới có nụ quả.

Heo Tây lên thớt da nên đỏ
Măng Việt lìa nhánh trái chửa vàng.


hoặc:

Heo Tây lao thớt da nên trụi
Măng Việt lìa nhánh trái chửa vàng.


Nhà thơ Lương An cũng nói, chữ “hàm” (đều khắp), trong ngữ cảnh, như ở trang trước (sách này) đã chép (**) (chưa chín đều, mới chín rám, đang chín hườm), hẳn đúng hơn và đúng với các nghĩa (nghĩa đen, nghĩa bóng).

Chúng tôi thấy, ở bản này, có lẽ Nguyễn Văn Tường dùng ẩn dụ “Nam giáng” – “vị hoàng” để chỉ vua Hàm Nghi (7. 1885, mới 14 tuổi). Người ta cũng thường nói “quả tim đỏ”, “quả tim vàng” (đan tâm, kim tâm)... Đó chỉ là hình ảnh tượng trưng, không phải tả thực.

Tuy nhiên, chữ “hàm” đa nghĩa, phong phú hơn.



Cước chú của bài số 4 (Thượng đồ trình…), thuộc Phần thứ II (các sáng tác ngoài thi tập):

(*) Nhân vật kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc 130 năm là Lê Duẩn (tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, 1960 – 1985), được sinh ra tại làng Hậu Kiên, nguyên quán làng Bích La Đông, xã Triệu Thành, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Cam Lộ cũng là “thủ đô kháng chiến” thời chống Mỹ: nơi đóng Cơ quan Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam!

(**) Nhờ gia đình họa sĩ Lê Ký Thương – chị Nguyễn Thị Kim Quy, chúng tôi đã đối chiếu với bản gốc cuốn "Lô Giang tiểu sử" của phó bảng Nguyễn Văn Mại (Nguyễn Hy Xước dịch, ruột ronéo, bìa typo, 242 + 30 tr., in xong ngày 07.6.1961). Ở cuối trang 38, sđd., nguyên văn như sau:

"Trong kinh lúc ấy mới yên, mà Nam Bắc bắt đầu khởi nghĩa. Ông Nguyễn Văn Tường tới Gia Định có ngâm câu tuyệt cú rằng:
TÂY TRƯ TỰU TRỞ BÌ DO XÍCH
NAM GIÁNG LI CHI QUẢ VỊ HOÀNG".


Hai câu trên được phụ đề chữ Hán. So với bản đã chép, thấy chỉ có hai dị biệt: "hoàng" / "hàm" và chữ "quả" có thêm bộ thảo (nghiêng hẳn về nghĩa là "trái cây").

Và như thế thì không thể hiểu “giáng” là “giáng trướng”, có nghĩa là bức trướng màu đỏ, tức chỉ chỗ ngồi dạy học ở triều cung khi vua còn nhỏ (kinh diên), như vua Hàm Nghi vốn đang học. Nguyễn Văn Tường cũng là kinh diên giảng quan.

(Về hai chữ “giáng trướng”, xem chú thích của Viện Sử học: ĐNTL.CB., tập 28, sđd., tr. 32).

5

Phụ lục:
Thơ PHẠM PHÚ THỨ và NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
về NGUYỄN VĂN TƯỜNG...


BẮC HÀNH CHU QUÁ BAO VINH KÌ VĨ BÁ BIỆT NGHIỆP, THÍCH TUYÊN PHONG LỄ THÀNH, THƯ HẠ NHÂN TỰ BIỆT – NGUYỄN BÁ, HÚY VĂN TƯỜNG, TIỀN SUNG TOÀN QUYỀN ĐẠI THẦN, ĐỒNG DƯƠNG PHÁI VÃNG BẮC KÌ, NHẬN HỒI TỨ TỈNH

Bang quốc chung xương vận
Giang sơn xuất vĩ nhân
Kinh trần bài đại nạn
Mĩ dự bá chư lân
Thế thưởng luận công mậu
Dương sinh sức hỉ tân
Phương thành xuân sắc cận
Yến tập cựu tình chân
Lang miếu trù duy thiết
Giang hồ ngụ mị tần
Du nhiên chinh lỗ ý
Mai nguyệt trầm hà tân.


PHẠM PHÚ THỨ
(1820 - 1883)

THUYỀN ĐI RA BẮC KÌ, NGANG QUA VƯỜN NHÀ RIÊNG CỦA KÌ VĨ BÁ (1) Ở BAO VINH, VỪA GẶP LỄ TUYÊN PHONG XONG, VIẾT THƯ MỪNG, NHÂN KỂ NỖI BIỆT LI – BÁ TƯỚC NGUYỄN, TÊN HÚY LÀ VĂN TƯỜNG, TRƯỚC ĐÓ SUNG CHỨC TOÀN QUYỀN ĐẠI THẦN, CÙNG PHÁI VIÊN TÂY DƯƠNG (PHÁP) ĐI BẮC KÌ NHẬN LẠI BỐN TỈNH

Nước nhà chung đúc vận tốt lành
Núi sông xuất ra bậc vĩ nhân
Bụi chiến tranh đáng kinh hãi,
nên đã xua đuổi được nạn lớn [ấy]
Danh dự tốt được truyền bá
ở các nước láng giềng
Đời khen thưởng bàn luận công lao dồi dào
Mùa xuân khí dương sinh trở lại,
mình có nỗi kính vui mới
Ở phương thành sắc mùa xuân gần kề (*)
Tụ tập lại yến tiệc với tình xưa chân thật
Triều đình trù tính rất thiết tha
Lúc giang hồ mình khi thức khi ngủ
Thuyền chèo đi xa với ý xa xôi
Mặt trăng trên cành mai
như chìm xuống bờ sông.

PHẠM PHÚ HẠT
dịch nghĩa

(1) Xem R. Morineau, Hội Truyền giáo Paris, “Bao Vinh, thương cảng Huế”, NNBCĐH. (BAVH., 1916), sđd., tập 3, tr. 211.

Vận nước thật tốt lành
Núi sông hiện vĩ nhân
Bụi chiến! Trừ tai họa!
Danh người thơm lân bang
Đời luận khen công lớn
Khí dương nỗi vui tràn
Sắc xuân quanh thành phượng [ngát?]
Bạn cũ tiệc ân cần
Triều miếu việc chu tất
Thuyền ta trôi trường giang
Càng xa thêm rộng ý
Cành mai chìm ánh trăng.


Hạo Nhiên
NGUYỄN MẠNH HÀO
dịch thơ

Đất nước vun nên vận sáng
Núi sông xuất hiện vĩ nhân
Đời lo xua từng nạn lớn
Tiếng tốt vang các lân bang
Nhân gian luận khen công đẹp
Khí dương vui thắp chồi xuân
Danh thơm xây mùa thắm thiết
Tiệc nồng họp tình thật thân
Kế nghĩ Triều đình sâu khắc
Giấc trọ giang hồ vội tàn
Ý mái chèo xa, rong ruổi
Bờ sông mai nở chìm trăng.


(bản biên soạn)

Đó là bài thơ của Phạm Phú Thứ viết để ca ngợi Nguyễn Văn Tường về chiến công ngoại giao, đàm phán, 1873 - 1875. Tuy nhiên, với Nguyễn Văn Tường, ông đã tự chế giễu: “Bởi kẻ bề tôi bất tài, nên mới giảng nói việc chiến hòa của ba nước; chỉ nhà vua với mệnh lệnh sẵn có, cam đành dằn xóc chốn núi biển bảy năm”. Nguyễn Văn Tường dù được công nhận là vĩ nhân, kì vĩ, tài trí, giỏi ứng đối và rành rõi trong giao thiệp, vẫn thật lòng không chấp nhận một “hòa” ước, thực chất là nhượng ước, hàng ước nào cả, nên lời khen của Phạm Phú Thứ chỉ đúng ở một phần nào. Đó là năng lực cá nhân trong việc vận dụng sắc lệnh của nhà vua mà bất kì kẻ bề tôi nào cũng không dám kháng chỉ.

Delvaux, trong bài viết “Phái bộ Pháp ở Huế và những phái viên đầu tiên”, NNBCĐH. (BAVH., 1916), tập 3, sđd., tr. 36, đã kể về Philastre: “chẳng mấy chốc dần dần chịu ảnh hưởng của ông bộ trưởng đối ngoại, và nhất là ông Nguyễn Văn Tường trong khi ông Philastre làm phiên dịch chính thức ở Sài Gòn cho ông Tường và ông Tường là phó lãnh sự”. Đó là với phái bộ Lê Tuấn. Và khi với Nguyễn Văn Tường ở Bắc Kì, tr. 36 - 37: “Bản thân ông Philastre, như ông đã nhiều lần bày tỏ lúc còn ở Bắc Kì, là thật tình ông không tán thành về ý kiến đặt nền bảo hộ Pháp ở Đông Dương. Ông cho đó là nguồn gốc của một thất bại và tai hại. Nước Annam, theo ý ông, không cần đến sự giúp đỡ tốt [!] của chúng ta và đây là một tội ác về vi phạm nhân đạo, bóp chết một nền văn hóa lâu đời và đáng trọng này. Tôi không trách ông Philastre về những sự mến chuộng của ông đối với nền văn minh này và tôi xin nghiêng mình cảm phục về tính năng động và trình độ hiểu biết của ông; nhưng tôi cũng nghĩ rằng tốt hơn là ông đừng nhận cái trọng trách kinh khủng là làm đại diện và bênh vực quyền lợi của nước Pháp bên cạnh Triều đình Huế. Cách suy tư của ông Philastre đúng là chỉ để khuyến khích vua Annam nối lại quan hệ chư hầu [!] giữa Annam và Trung Hoa và chẳng thèm đếm xỉa gì đến hiệp ước 1874. Như vậy chính phủ Annam vừa kêu cứu nước Pháp đánh dẹp bọn cướp nước người Hoa (tháng 12. 1878), lại vừa yêu cầu sự giúp đỡ của hai tổng đốc Lưỡng Quảng cùng trong mục đích đó”.

Dùng từ và phiên dịch đúng hơn, thì Lê Tuấn là chánh sứ và Nguyễn Văn Tường là phó sứ; suốt bảy năm sau đó (1874 - 1881), Nguyễn Văn Tường là thượng thư Bộ Hình, rồi thượng thư Bộ Hộ, kiêm quản lí thương Bạc sự vụ (“quan Thương Bạc”, “thượng thư ngoại giao” là cách gọi không chính xác). Do sự khập khiễng giữa danh từ tiếng Việt và tiếng Pháp, bởi sự khác biệt về tổ chức hành chính (chính quyền), xin gạt qua vấn đề danh xưng quan chức. Và cũng gạt qua cả nhận định về quan hệ Việt Nam – Trung Hoa theo quan niệm “thiên triều – chư hầu” vốn chỉ là hình thức, hình thức yếu hèn của thời xa xưa. Ở đây chúng tôi trích dẫn đoạn văn trên của Delvaux để khẳng định bản lĩnh văn hóa Việt của Nguyễn Văn Tường trong cuộc đấu tranh chính trị, ngoại giao với thực dân Pháp. Chiến công ngoại giao, chính trị này của Nguyễn Văn Tường, trước hết và có ý nghĩa sâu sắc nhất là, trong đó, có chiến thắng văn hóa. Philastre cũng là một nhà ngôn ngữ học, Phương Đông học, Việt Nam học, là một tên thực dân có học vấn và có trái tim nhân bản (trong chừng mức nào đó). Chính Nguyễn Văn Tường đã tâm công, đánh thức lương tri của y bằng văn hóa Việt, tạo điều kiện cho y được học hỏi văn hóa Việt (ĐNTL.CB., tập 33, sđd., tr. 352).

Nguyễn Văn Tường được gọi là vĩ nhân, được tôn xưng là vị bá tước kì vĩ, chính là ở điểm này.

Trong sự ngợi ca Nguyễn Văn Tường của Phạm Phú Thứ, ở bài thơ trên, chúng tôi thấy có sự chiến bại khá văn hóa, khá nhân bản của trái tim thực dân dẫu sao cũng vẫn còn chất người của Philastre, ở một mức nhất định. Và dẫu sao thì Philastre vẫn còn là một tên xâm lược có cái nhìn (nhãn quan) kinh tế méo mó và thủ lợi mang tính thực dân, bất chấp sự chết đói của dân bản xứ (xem Y. Tsuboi, NĐNĐDVP. & TH., sđd., tr. 116 - 122 và 279 - 281; ĐNTL.CB., tập 33, sđd., tr. 8 - 10).

Ở cuối phần này của cuốn sách, chúng tôi đã trích thêm bài thơ trên của Phạm Phú Thứ trong bài viết của ông Hạo Nhiên Nguyễn [Tôn Thất] Mạnh Hào (*), với bản dịch nghĩa của ông Phạm Phú Hạt, bản dịch thơ của ông Hạo Nhiên.


Cước chú của bài thơ số 1 (Bắc hành chu quá Bao Vinh… của Phạm Phú Thứ), thuộc Phần thứ II (Phụ lục):

(*) Hương thơm xây đắp nên sắc mùa xuân gần gũi.
“Phương thành” đối với “yến tập”?

(*) Xem KYHNKH. ĐHSP. TP. HCM., 20. 6. 1996, tr. 85 - 98. Đây là một bài viết cảm động, tuy nhiên có vài điểm chúng tôi không thể đồng ý. Điểm nổi cộm nhất là, biện minh cho Ngô Đình Diệm, tổng thống ngụy, kẻ có "lòng yêu nước" theo kiểu của một tên nô lệ, vốn là tay sai của La Mã, thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (cũng như Dương Văn Minh (*1), Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, cùng tất thảy các tướng lĩnh, chính khách khác sau này, mặc dù giữa các kẻ ấy có sự khác biệt ít nhiều (*2)). Điểm khác, là Nguyễn Văn Tường vốn có họ Nguyễn Phước (con rơi của Thiệu Trị)! Điểm này chỉ là tương truyền. Xin xem chú thích (1), (2), (4) bản dịch nghĩa bài thơ số 14.

(*1) Dương Văn Minh, đại tướng ngụy (“Big” Minh), tổng thống cuối cùng (nhậm chức trong khoảng vài ngày cuối) của chế độ ngụy Sài Gòn. “Big” Minh đã đầu hàng trước sự tấn công của quân Cách mạng vào ngày 30.04.1975, ngày kết thúc cuộc chiến tranh 117 năm. Nếu tính từ ngày kinh đô Huế thất thủ đến ngày giải phóng Sài Gòn, là chín mươi năm (1885 - 1975)!

(*2) Xem thêm: Linh mục Trần Tam Tỉnh, Thập giá và lưỡi gươm, nguyên tác tiếng Pháp, linh mục Vương Đình Bích dịch, Nxb. Trẻ, 1988, tr. 100 – 146…

Để rõ hơn chân dung của người xưa – nhân vật lịch sử – xin phép được trích thêm ở một cuốn sách khác: thơ Nguyễn Thượng Hiền.

[VÔ ĐỀ]

Huyền vũ lâu tiền mãn địa sương
Dũ phong đình nguyệt thái thê lương
Sơn xuyên cố quốc âm tình cải
Nhung mã toàn gia đạo lộ trường
Không quá Tây môn bi thái phó
Thùy tòng Bắc hải vấn trung lang
Ngu uyên thử nhật vô tiêu tức
Trường đoạn thanh khê bích ngẫu hương.


Mai Sơn
NGUYỄN THƯỢNG HIỀN
(1868 - 1925)

[KHÔNG ĐỀ]

Huyền Vũ lầu không đặc lớp sương
Trăng sân gió cửa quá thê lương
Non sông cố quốc bao thay đổi
Gươm ngựa toàn gia vạn dặm trường
Không đến cửa Tây thương thái phó
Ai về biển Bắc hỏi trung lang
Tìm trời đáy biển không tin tức
Đứt ruột sen khe lộ ngó hương.


Chu Thiên
HOÀNG MINH GIÁM
(1904 - 1995)
dịch thơ

[KHÔNG ĐỀ]

Trước lầu Huyền Vũ, đầy đặc [trên] đất [là] sương
Gió [lùa qua] cửa sổ, trăng [chiếu rải ngoài] sân,
quá đỗi thê lương!
Sông núi nước cũ (: triều đại cũ, trước 05. 7. 1885),
giọng tiếng [và] lòng dạ đã biến đổi
[Cùng] binh lính, [vó] ngựa, cả gia đình [trên] đường sá
[với] lối nẻo [đang mở rộng, kéo ra] dài dặc (1)
Cái hư không (: Trời) đến cửa Tây, khóc không
để lộ nước mắt (khóc thầm) cho thái phó (2)
Ai giúp giùm biển Bắc (3), [xin] hỏi viên quan lang
(: quan nguồn) [đồng bào Thượng ở thượng nguồn
vốn có lòng] trung thành (*)
Phương lặn mặt trời rực [nắng] ngày, tin tức vắng bặt
Ruột đứt, khe nước trong xanh, xanh biếc ngó
[ý, với tơ lòng, hương] sen thơm ngát (4).

(1) Tôn Thất Thuyết, khi Nguyễn Văn Tường bị bắt, không còn hậu thuẫn, đã phải sai lầm qua Tàu cầu viện!

(2) Nguyễn Văn Tường. Câu này có thể hiểu đúng hơn: “Cái hư không (cái vô vi) sai lầm [ở] cửa [giặc] Pháp, [khiến tôi phải] thương xót thái phó”.

Chữ “bi”, theo HVTĐ. của Thiều Chửu, sđd., tr. 204: “đau, khóc không có nước mắt, gọi là bi”, và “thương xót” (từ bi). Một vài chữ “bi” trong thơ Nguyễn Du:
Đỗ vũ [nhất] thanh [xuân] khứ hĩ

Hồn hề quy lai bi cố hương!
Một tiếng chim cuốc, xuân đã qua
Hồn ơi về đi, thương quê xa [:quê cũ]

(Ngẫu thư công quán bích,
Nam Trung tạp ngâm)

Cộng tiễn thi danh sư bách thế
Độc bi dị vực kí cô phần
Mọi người khen danh thơ, [làm thầy]
dạy trăm đời
Riêng tôi thương xứ lạ, gửi [nấm] mộ côi
(Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ,
Bắc hành tạp lục)

Xem thêm: Nguyễn Du toàn tập, tập I, Mai Quốc Liên và nhóm cộng tác viên biên dịch, Nxb. Văn Học, 1996, tr. 201 - 203, 397 - 398).

(3) Phạm Thận Duật đã phò vua Hàm Nghi lên Tân Sở (Cam Lộ, Quảng Trị) và đã “phụng Bắc sai”, ra Bắc tổ chức cần vương. Khi theo sông để ra đường biển, có lẽ ông bị chỉ điểm, nên giặc Pháp đã bắt được ông. Có kẻ bôi nhọ ông đã đào ngũ! Tuy nhiên cũng cần phải khách quan trong nhận định. Nếu có sự so sánh giữa ba nhân vật Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật, vẫn thấy rằng: Phạm Thận Duật không hề bị De Courcy, De Champeaux, Đồng Khánh, Nguyễn Hữu Độ tước đoạt chức hàm và cũng không bị tịch biên gia sản, trong lần kết án chung thẩm (*).

(4) Hai câu kết đã làm sáng rõ tứ thơ. Tác giả đang đau xót ngóng trông nhưng vẫn vắng bặt tin tức từ phương mặt trời lặn (Phương Tây, chỉ Pháp; núi rừng phía biên giới Việt Lào). Bấy giờ, người ta chỉ biết Nguyễn Văn Tường, Phạm Thận Duật, Tôn Thất Đính bị giặc xâm lược Phú Lãng Sa lưu đày qua nước của chúng, đâu ngờ chúng đày tận Tahiti!... Vì Tôn Thất Thuyết vẫn còn ở trong nước, còn biết tin tức qua các sơn phòng, nên câu này chỉ hướng đến ba người bị lưu đày (*). Hoàng Minh Giám đã dịch theo ý tưởng đó (“Tìm trời đáy biển...”).

Phạm Thận Duật rồi đến Nguyễn Văn Tường đã nối nhau qua đời, trong khoảng thời gian chưa đầy một năm. Chắc hẳn thực dân Pháp đã tra tấn rất tàn khốc hai đại thần Cơ mật viện này. Tôn Thất Đính, lớn tuổi hơn, già lão hơn, lại không phải là đại thần, không nắm được bí mật quốc gia và triều đình, nên đã được phóng thích về nước.

Tác giả là con rể của Tôn Thất Thuyết, đồng thời cũng con rể Tôn Thất Phan (cưới hai người vợ một lần!). Ông không tham gia kháng chiến trong phong trào Cần vương. Về sau, khi đã khắc phục được hạn chế về quyết tâm kháng chiến, Nguyễn Thượng Hiền có tham gia phong trào Đông du, Duy tân với những hoạt động yêu nước, chống Pháp. Lúc Phan Bội Châu bị bắt, bị an trí tại Huế (1925), lại có người cháu ruột của mình phản bội, ông buồn bã, mang bệnh rồi mất trong lớp áo nâu sồng tại một ngôi chùa ở Hàng Châu, Trung Hoa.

[KHÔNG ĐỀ]

Huyền Vũ trước lầu đất ngập sương
Trăng sân gió cửa quá thê lương
Núi sông nước cũ lòng thay giọng!
Gươm ngựa toàn nhà nẻo mở đường
“Vô” sái cửa Tây, thương thái phó
Ai xuôi biển Bắc, hỏi quan nguồn
Rực ngày phương lặn không tin tức
Ruột đứt khe xanh, biếc ngó hương.


(bản biên soạn)

Cuối phần này của cuốn sách, chúng tôi đã trích thêm một bài thơ của Nguyễn Thượng Hiền – người chứng trẻ tuổi đương thời, sinh năm 1868 – để làm sáng tỏ thêm về Nguyễn Văn Tường và hai đồng chí của thái phó: Tôn Thất Thuyết, Phạm Thận Duật, và cả ông nội vợ của Nguyễn Thượng Hiền: Tôn Thất Đính.


Cước chú của bài thơ số 2 (Vô đề… của Nguyễn Thượng Hiền), thuộc Phần thứ II (Phụ lục ):

(*) Bản dịch của Hoàng Minh Giám vẫn để nguyên hai chữ “trung lang”. Nếu khác mặt chữ, có lẽ đó là một điạ danh: làng Trung Lương ở ven bờ sông Bến Hải, nơi Phạm Thận Duật xuôi từ thượng nguồn về và bị Pháp bắt ở nhà của Trần Đình Túc (Hà Trung, Gio Linh, Quảng Trị), gần bến sông ấy. Nhưng “trung lang” với nghĩa viên quan nguồn trung thành, đối chỉnh với “thái phó” hơn?

(*) Nguyễn Văn Tường bị lưu đày đến Tahiti và qua đời sau sáu tháng tại hòn đảo đó, vào ngày 30. 7. 1886. Phạm Thận Duật bị ốm, chết trên biển, phải thuỷ táng, sau ngày 05. 7. 1885 chỉ vài ba tháng. Tôn Thất Đính và Tôn Thất Thuyết lại may mắn hơn, nếu không kể hai người trẻ tuổi Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp đã hi sinh. Riêng Tôn Thất Thuyết, ông sống lưu vong đến 27 năm (1886 - 1913). Năm 1913, Tôn Thất Thuyết mất ở Long Châu (Trung Hoa), thọ 73 tuổi (1839 - 1913). Các nhân sĩ Trung Hoa phúng điếu ông:

Thù nhung bất cộng đới thiên,
vạn cổ phương danh lưu Tượng Quận;
Hộ giá biệt tầm tỉnh địa,
thiên niên tàn cốt kí Long Châu.

(Thù giặc không chung đội trời, vạn thuở tiếng thơm lưu Tượng Quận; Phò vua riêng tìm xét đất, nghìn năm xương mục gửi Long Châu).
Rất tiếc, trong đó, hai chữ “Tượng Quận” vẫn còn tính chất sô-vanh (chauvinisme)!



Hết phần 1
(từ tr. 1 đến tr. 209 [số trang bản in vi tính])

Xin xem tiếp phần 2
(từ tr. 210 đến tr. 483[số trang bản in vi tính]).

Không có nhận xét nào: